Toàn cảnh Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
tỉnh Nam Định khóa VII, nhiệm kỳ 2017-2022
Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, nhiều tín đồ Công giáo Cứu quốc tham gia giành chính quyền cũng tham gia vào thành phần của chính quyền mới. Từ năm 1949, Hội được đổi tên thành Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, Yêu hòa bình, gọi tắt là Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc do cố linh mục Vũ Xuân Kỷ làm chủ tịch. Từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 11 tháng 3 năm 1955, Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu nước được tổ chức tại Hà Nội. Trong Đại hội này, cố linh mục Vũ Xuân Kỷ - người sáng lập Ủy ban - được suy tôn làm Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công giáo. Tại miền Nam, tháng 4 năm 1961, một tổ chức tương tự Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc được thành lập với tên gọi Hội những người Công giáo kính Chúa yêu nước và sau đó gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày Việt Nam thống nhất, từ ngày 8 tháng 11 đến ngày 10 tháng 11 năm 1983, Đại hội đại biểu thống nhất của Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc tại miền Bắc và Hội Những người Công giáo kính Chúa yêu nước tại miền Nam được tổ chức tại Hà Nội, thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam. Bảy năm sau, một đại hội đại biểu được tổ chức từ ngày 10 tháng 10 đến ngày 12 tháng 10 năm 1990, đã đổi tên Ủy ban thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam với nhiệm vụ là "đại diện cho phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam", được thành lập "nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi mọi người Công giáo, cùng toàn dân xây dựng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình, được xác định rõ ràng theo tinh thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" và nhiều Thư chung sau đó", trong đó có những phong trào thi đua "Kính Chúa - yêu nước" và "sống tốt đời, đẹp đạo".. .
Đánh giá về công lao của các linh mục tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam qua các thời kỳ, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã khẳng định "Các đấng ấy đã làm sáng danh cho đạo Công giáo, cho giới Công giáo Việt Nam không làm gì tổn hại cho thanh danh Giáo hội Việt Nam. Và đoàn kết để cùng nhau chung sức, chung lòng, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc đó là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào của mình”.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Nam Định rất vinh dự là cái nôi hình thành nên Ủy Ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, dưới sự dìu dắt trực tiếp của các cố linh mục Vũ Xuân Kỷ, Lâm Quang Học, Nguyễn Chu Trình, Nguyễn Đức Hiệp và Linh mục Lê Văn Luật. Hiện nay là linh mục Hoàng Văn Tuấn đã thực sự là tổ chức xã hội - tôn giáo đoàn kết rộng rãi người Công giáo Nam Định tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với tinh thần yêu nước, yêu quê hương, yêu công lý, nhiều giáo dân của Tỉnh nhà đã phấn đấu và trưởng thành góp phần cùng nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương đất nước làm sáng danh cho Đạo Chúa, vẻ vang cho Giáo dân, cho Giáo hội như:
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc của đất nước. Đã có 544 gia đình là cơ sở bí mật, 54.000 lượt anh chị em thanh niên công giáo lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.. nhiều anh chị em chiến đấu và chiến đấu rất dũng cảm đã hy sinh cho Tổ quốc là 1.700 người và gần một ngàn thương binh, có 23 bà mẹ Việt Nam được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhiều cơ sở của giáo xứ, họ, giáo dân cho nhà nước mượn để làm cơ sở chính trị, kho chứa lương thực và nhu yếu phẩm khác như nhà thờ giáo họ Nghiệp Đạt xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường là nơi tổ chức Đại Hội Đảng bộ của huyện Xuân Trường đầu tiên, giáo họ Gioan Kim xóm một xã Xuân Kiên nay là xã Xuân Hoà làm hầm bí mật để cất giữ tài liệu cho cách mạng... Những đóng góp của giáo dân tỉnh nhà là rất to lớn, không những bằng sức người, sức của mà bằng máu thịt. Nhiều người hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ phải đổi tên họ, chuyển nơi ở mới để tiếp tục hoạt động. Đến ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, chúng ta thấy nhiều người công giáo cựu kháng chiến có mặt, lại ra mắt phục vụ cách mạng. Như ông Vũ Đình Liệu, ông Tư Hy, ông Ngô Quang Cao… sự đóng góp đó gắn người công giáo với dân tộc Việt Nam. Trong tổng kết 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhiều giáo xứ, giáo họ, giáo dân đã được Nhà nước ghi tên trên bảng vàng của Tổ quốc.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người công giáo tỉnh nhà đã cùng với nhân dân xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Một chặng đường đã qua, người công giáo đã cùng đồng hành với dân tộc, tiếp tục đã và đang xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội do Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Người công giáo trong tỉnh đã tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, đưa giống lúa mới, chăm bón, tưới tiêu nước và phòng trừ sâu bệnh góp phần cùng với nhân dân tỉnh nhà được mùa liên tiếp, bình quân tổng sản lượng lương thực hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Các huyện có đông người công giáo, nhiều HTX nông nghiệp toàn tòng công giáo đã đạt 5 tấn, 10 đến 12 tấn thóc/ha/năm trở lên như HTX Xuân Phương, Xuân Tiến, Xuân Kiên huyện Xuân Trường; Hải Bắc, Hải Vân, Hải Tân huyện Hải Hậu. Cả huyện Hải Hậu đã đạt năng suất lúa bình quân từ 8 - 9 tấn thóc/ha/năm đã được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần về thăm và động viên. Đặc biệt HTX Nông nghiệp Xuân Phương - huyện Xuân Trường đạt năng suất lúa cao đầu tiên ở miền Bắc.
Từ năm 1997 đến nay Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp đã phối hợp vận động, tăng cường công tác tuyên truyền để đồng bào Công giáo trong tỉnh nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa các cuộc vận động, các phong trào thi đua, về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của tỉnh. Từ đó, hướng dẫn lồng ghép việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và MTTQ chủ trì phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, về phong trào xây dựng ”Khu dân cư 5 không” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tổ chức triển khai nâng cao chất lượn phong trào “Xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; Xây dựng “khu dân cư tự quản không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”; “Xứ, họ đạo bình yên”, “An ninh tuyến biển”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Hưởng ứng “Chương trình xây dựng Nông thôn mới”, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã triển khai phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng” đến 172 giáo xứ, 490 họ giáo trong tỉnh để bà con giáo dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa sát thực của “Chương trình” tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Kết quả, không chỉ tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng mà người Công giáo Nam Định còn hiến, tặng trên 20.000 m2 đất thổ canh, thổ cư, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm như trạm y tế, trường mầm non xã đạt chuẩn quốc gia và Nhà Văn hóa xóm góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, người Công giáo Nam Định đã quyên góp được hàng tỷ đồng, xây mới trên 100 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tặng cho người nghèo không phân biệt tôn giáo góp phần cùng Mặt trận tỉnh cơ bản hoàn thành chương trình làm nhà Đại đoàn kết, giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với cuộc vận động “ Ngày vì người nghèo”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội được coi trọng. Người Công giáo đã ủng hộ hàng tỷ đồng vào các quỹ từ thiện, ủng hộ tiền xây đền thờ liệt sỹ. Nhân dịp 27/7 hàng năm tại các huyện, thành phố chức sắc Công giáo đều xin phép chính quyền tổ chức Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ.
Khi dịch Covid-19 tái bùng phát, lan rộng ở một số địa phương, Người Công giáo trong tỉnh luôn đồng hành, chung sức phòng chống dịch, các Giáo xứ và bà con giáo dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ; các chỉ đạo phòng chống, dịch của chính quyền địa phương. Chung sức, đồng lòng cùng chính quyền, MTTQ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và cả nước phòng chống, ngăn chặn dịch thành công. Có được những kết quả trên, một mặt là do có sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, sự hướng dẫn giúp đỡ và phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận các cấp trong tỉnh với Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh. Mặt khác. Là niềm tin của các thế hệ người Công giáo Nam Định đối với Đảng, Bác Hồ. Đồng thời, những thành viên của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Nam Định qua các thời kỳ luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người” mà đã là việc chung thì phải vận động mọi người không phân biệt tôn giáo, dân tộc cùng tham gia. “Lực lượng toàn dân ta là lực lượng vĩ đại nhất” nếu “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Để Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh một mặt kế thừa, chấn hưng và phát triển những thành quả của thế hệ đi trước, tiếp tục tinh thần của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và công đồng Vatican II: “Canh tân, cập nhật hóa”; mặt khác Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường công tác đối thoại với Thường trực Ủy ban ĐKCG tỉnh, với các vị linh mục, nữ tu, chức việc đang tham gia Ủy ban ĐKCG các cấp trong tỉnh, trên cơ sở đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của người Công giáo Nam Định mà Ủy ban ĐKCG tỉnh đã tập hợp được, kịp thời giải quyết các vấn đề.
Hồ Quang - UVTT UBMTTQVN tỉnh Nam Định