Phát huy vai trò chức sắc, chức việc và nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự 28/02/2023

Sáng 24-2-2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ban Biên tập Trang TTĐT Ủy ban MTTQ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn Tham luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

 

    Sáng 24-2-2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tại buổi Hội thảo, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Công tác vận động, phát huy vai trò chức sắc, chức việc và nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự”. Ban Biên tập Trang TTĐT Ủy ban MTTQ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn Tham luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

    - Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23.
    - Kính thưa các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng.
    - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
    - Kính thưa quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học.
    - Thưa toàn thể Hội thảo.
    Trước tiên, tôi nhất trí cao với Báo cáo đề dẫn Hội thảo tổng kết Nghị quyết số 23 do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trình bày và các tham luận đã trình bày tại Hội thảo. Được sự cho phép của chủ trì Hội thảo, để làm rõ thêm một số vấn đề đã được gợi ý tại Báo cáo đề dẫn, tôi xin trình bày tham luận: “Công tác vận động, phát huy vai trò chức sắc, chức việc và nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự” của tỉnh Nam Định. Bản tham luận đầy đủ đã gửi Ban Tổ chức Hội thảo, sau đây tôi xin trình bày những nội dung chủ yếu.
    Kính thưa toàn thể Hội thảo.
    Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với diện tích tự nhiên gần 1.700km2, dân số gần 2 triệu người, trong đó 25% theo đạo Công giáo. Nam Định là vùng đất đa dạng về tôn giáo, phong phú về các hoạt động tín ngưỡng; với số chức sắc, tín đồ đạo Công giáo đứng thứ 3 cả nước và Phật giáo đứng thứ 2 miền Bắc. Trên địa bàn tỉnh Nam Định có 03 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoạt động là Công giáo, Phật giáo, Tin lành. Ngoài ra, còn có khoảng 4.000 di tích đình, đền, miếu, phủ.... tiêu biểu là quần thể Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp, Khu di tích Phủ Dầy với Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
    Trong những năm qua, tỉnh Nam Định luôn quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng nên các tôn giáo luôn ủng hộ, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đoàn kết lương - giáo ngày càng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
    1. Công tác vận động phát huy vai trò chức sắc, tín đồ các tôn giáo chung sức, đồng lòng tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới* Giai đoạn 2010-2020
    Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; từ năm 2010 đến năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các Chỉ thị, Kết luận tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đây là các Nghị quyết rất quan trọng chỉ rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, là cơ sở để chính quyền tổ chức chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng.
    Các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đôn đốc tiến độ xây dựng nông thôn mới gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện chương trình, nhất là tại các địa phương phức tạp, khó khăn, có đông đồng bào có đạo. Tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp để huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
    Thống nhất quan điểm chỉ đạo không nóng vội chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, nhưng cũng không được trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ cấp trên; cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua sâu rộng, thiết thực, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự lan tỏa, đồng tình, ủng hộ và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đồng thời, tăng cường việc tổng kết thực tiễn và học tập, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, các điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
    Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua các tôn giáo luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tích cực thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo được sự lan tỏa trong nhân dân như: Tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đám giỗ; vận động các hộ gia đình tín đồ các tôn giáo vươn lên phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.
    Đồng bào Công giáo toàn tỉnh đã hiến trên 20 nghìn m2 đất, hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm.
    Các tăng, ni đã kêu gọi tín đồ, phật tử hiến tặng trên 10 nghìn m2 đất, gần 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số trạm y tế, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, xóm.
    Đóng góp của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo góp phần thiết thực đưa Nam Định trở thành một trong hai tinh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
* Giai đoạn từ 2021 đến nay
    Tỉnh Nam Định xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của mọi người dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06, ngày 18-6-2021 về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt nông thôn mới nâng cao huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
    Tiếp tục phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ của chức sắc các tôn giáo trên tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bước đầu đạt được kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
    2. Công tác vận động đồng bào tôn giáo tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương
    Xác định vận động quần chúng là nội dung cốt lõi của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào tôn giáo, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo như: Nghị quyết số 03, ngày 4-1-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động toàn dân xây dựng mô hình phong trào "Ba an toàn” về an ninh trật tự; Chỉ thị số 20, ngày 18-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự trong đồng bào các tôn giáo. Hằng năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tính chủ động của đồng bào các tôn giáo trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
    Phong trào giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội luôn được các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng tham gia với nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu là các mô hình “Xứ, họ đạo, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Giáo xứ, họ đạo không có ma túy”... Toàn tỉnh đã xây dựng thành công 37 mô hình, trong đó tôn giáo có 9 mô hình được thực hiện tại 1.615 cơ sở tôn giáo.
    Đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đều khắp ở các xứ, họ đạo trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt tiêu chí “Xứ, họ đạo tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt danh hiệu "Gia đình công giáo gương mẫu”. Hằng năm, Tòa Giám mục Bùi Chu đều ra thư mục vụ nhắc nhở giáo dân xa lánh, bài trừ tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, mại dâm, rượu chè, đua xe... Tích cực giữ gìn an ninh, trật tự trong xứ, họ, gia đình. Nhiều linh mục, các vị trong Hội đồng mục vụ, giáo xứ họ và giáo dân tham gia tổ hoà giải, tổ an ninh nhân dân trong thôn, xóm, tổ dân phố, đã hoà giải được nhiều vụ việc mâu thuẫn xích mích, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ tội phạm là người Công giáo. Người công giáo còn làm tốt công tác giáo dục con em minh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua có 1.097 thanh niên người công giáo tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự.
    Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đối với đồng bào theo Phật giáo, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được đưa vào tiêu chí xây dựng mô hình “Tâm sáng, hướng thiện”, “Chùa tinh tiến”, vận động sư trụ trì, Ban hộ tự các chùa và phật tử chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về an ninh trật tự và về sinh hoạt tôn giáo; giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn, gặp khó khăn; bảo vệ an toàn nhà chùa, tích cực tham gia xây dựng các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đến nay, có 95% chùa đạt “An toàn về an ninh trật tự", 571 chùa đạt tiêu chí “Chùa tinh tiến”.
    Bên cạnh đó, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời ra thông bạch, thư chung, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, có hình thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp để đảm bảo phòng, chống dịch. Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo còn tích cực tham gia ủng hộ quỹ vắc xin, hỗ trợ các nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ xuất quân cho 20 tăng, ni tình nguyện tham gia hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.
    Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
    Kính thưa toàn thể Hội thảo.
    Công tác vận động phát huy vai trò chức sắc và tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, việc triển khai công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng còn có những khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tập trung làm tốt công tác tôn giáo, nhất là phải hiểu và vận dụng đúng chỉ đạo, định hướng của Trung ương về công tác tôn giáo và công tác vận động, phát huy vai trò chức sắc, chức việc và nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong tình hình mới. Tại Hội nghị hôm nay, chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố về dự Hội thảo, để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn để làm tốt hơn công tác tôn giáo tại Nam Định trong thời gian tới.
    Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo tỉnh Nam Định, xin kính chúc đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, các nhà khoa học và toàn thể Hội thảo luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
    Xin trân trọng cảm ơn.

Các bài viết khác