Người Công giáo tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, hiệp hành và chia sẻ, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh 13/12/2022

Nhiệm kỳ 2017-2022, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 
Giáo xứ Lác Môn, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh

   5 năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi người Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động, tạo sự chuyển biến toàn diện trong đời sống xã hội. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, trong lĩnh vực nông nghiệp, bà con giáo dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nhân rộng diện tích trồng lúa đặc sản có thương hiệu trên thị trường cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đã thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất giống lúa lai, cung cấp cho thị trường cả nước mỗi vụ hàng trăm tấn thóc giống các loại. Các gia đình giáo dân xứ Phương Lạc, Tích Tín, Trung Lao, Xuân Thủy, Tứ Trùng, Tương Nam, Kiên Lao đã tiến hành nhân và sản xuất giống lúa cấp I, cung cấp cho bà con nông dân trong tỉnh, góp phần giảm bớt lượng giống lúa nhập từ nước ngoài về… Một số gia đình giáo dân thuộc tuyến biên giới biển các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu đã khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều làng nghề truyền thống được duy trì, phát triển, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập khá như: Đồ gỗ mỹ nghệ khảm trai xứ Phạm Rỵ, Phạm Pháo, Kim Thành; kéo sợi PE và đan lưới xứ Thịnh Long, Phương Chính (Hải Hậu)... Đến nay, đã có trên 400 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có giám đốc là người Công giáo. Số hộ giàu là người Công giáo đang sinh sống và làm ăn trên địa bàn tỉnh là 38.952 hộ, tăng 2.105 hộ, số hộ khá là 57.510 hộ, tăng 3.090 hộ so với nhiệm kỳ 2017-2022. Qua đó đã góp phần thực hiện hiệu quả “Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững” và các chỉ tiêu phát triển kinh tế chung của tỉnh, giảm tỷ lệ nghèo của tỉnh còn 1,74%.

   Trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, người Công giáo tỉnh luôn đồng hành với xã hội, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các dự thảo luật của Nhà nước, quy ước, quy định của địa phương. Để xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri với đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, bà con giáo dân đã thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến về chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác an sinh xã hội; tích cực tham gia đi bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều vị linh mục chánh xứ đã bố trí khung giờ lễ phù hợp để bà con giáo dân đi bầu cử đông đủ; có 438 người Công giáo trúng cử đại biểu HĐND các cấp.

   Bên cạnh đó, người Công giáo trong tỉnh tích cực tham gia phong trào xây dựng, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh triển khai lồng ghép việc thực hiện triển khai mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” vào trong các phong trào: Xây dựng “Xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”; “Xứ họ bình yên”; “Bình yên làng nghề”… Đến năm 2021, có 92% giáo xứ, giáo họ đạt “An toàn về an ninh trật tự”. Bà con giáo dân ở các xứ, họ đạo thuộc tuyến biên giới biển còn tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh tuyến biển. Ngoài ra, người Công giáo tỉnh còn làm tốt công tác xây dựng lực lượng vũ trang, thường xuyên giáo dục con em về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, 100% thanh niên Công giáo đến 17 tuổi đều đăng ký nghĩa vụ quân sự; 18 tuổi đi khám tuyển sức khoẻ đủ tiêu chuẩn đều lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong 5 năm qua, con em là người Công giáo đã bổ sung cho Quân đội là 1.238 thanh niên.

   Thực hiện phong trào từ thiện bác ái, 5 năm qua, các linh mục, tu sĩ, hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ và bà con giáo dân trong tỉnh đã tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động như: xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; ủng hộ các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chất độc da cam, phòng chống COVID-19, “Vì người nghèo; giúp đỡ các nước bị thiên tai, nhân dân các tỉnh miền Trung bị bão lũ, người tàn tật cô đơn, cơ nhỡ… được trên 58,3 tỷ đồng cùng hàng trăm tấn gạo, hàng nghìn bộ quần áo, chăn màn, xe lăn… Người Công giáo cùng với nhân dân trong tỉnh đã đóng góp công sức để chính quyền địa phương xây mới, nâng cấp hàng trăm nhà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội. Bên cạnh đó, phong trào khuyến học khuyến tài, việc học tập của con em người Công giáo ngày càng được quan tâm. Trên 70% số xứ, họ trong tỉnh đã xây dựng được Quỹ khuyến học với tổng số tiền trên 8,5 tỷ đồng. Với sự động viên, khích lệ, tạo điều kiện của các tổ chức xã hội, giáo hội, các linh mục, hội đồng mục vụ, bà con giáo dân nên 100% các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường. Số học sinh đỗ THPT, đại học, cao đẳng và trên đại học mỗi năm một tăng. 5 năm qua, có 1.936 em học đại học, cao đẳng; có trên 100 em học trên đại học và 18 tiến sĩ. Những đóng góp của người Công giáo Nam Định đã góp phần tích cực vào thành tích 28 năm liên tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục của tỉnh.

   Phát huy những thành tích đã đạt được của phong trào “Xây dựng xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM), trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào “Xây dựng NTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” tiếp tục được lan tỏa sâu rộng đến 100% các xứ, họ và được người Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện. Đến nay, đã có 892 lượt xứ, họ được công nhận đạt danh hiệu “Xứ họ tiên tiến” và 151.761 lượt hộ gia đình Công giáo được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”, từ 2017-2021, người Công giáo đã cùng với nhân dân trong tỉnh hiến hơn 180ha đất nông nghiệp và đất thổ cư; dịch chuyển tường, cổng, giậu hiến đất để mở đường giao thông trong thôn xóm. Tiêu biểu như Linh mục và Ban hành giáo xứ Kiên Chính đã hiến gần 1.000m2 đất. Cha xứ và Ban hành giáo xứ Hưng Nghĩa (Hải Hậu) hiến 700m2 đất thổ cư. Giáo xứ Đại Đồng có 19 hộ giáo dân hiến 694m2 thổ cư. Giáo dân Giáo xứ Thiện Giáo hiến 2.340m2. Giáo dân và Giáo xứ Phú Thứ (Vụ Bản) hiến hơn 300m2. Giáo dân họ Thanh Hương góp 2.150m2 đất hai lúa làm thủy lợi nội đồng... Ngoài ra, người Công giáo đã đóng góp nhiều tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, đường điện chiếu sáng trong thôn xóm, xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế…

   Những đóng góp tích cực của người Công giáo trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản do Đại hội đại biểu người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh lần thứ VII đề ra. Nhiệm kỳ 2022-2027, phát huy thành quả đã đạt được, Ủy ban ĐKCG tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết người Công giáo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững. Phấn đấu có 91% giáo xứ, họ đạo đăng ký “xứ, họ tiên tiến”, trong đó 87% đạt danh hiệu; 75% số gia đình Công giáo đăng ký “gia đình Công giáo gương mẫu”, trong đó 85% đạt tiêu chuẩn; 70% xứ, họ có Quỹ khuyến học; 80% xã, phường, thị trấn có người Công giáo thành lập được Ban ĐKCG; 70% Ban ĐKCG đạt loại khá trở lên./. 

Linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn,
Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh

Các bài viết khác