Hội nghị ký kết chương trình phối hợp về thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. (Giai đoạn 2023 - 2026) 31/03/2023

Sáng 30/3/2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (UBMTTQVN tỉnh), Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh (Sở TN&MT tỉnh) và các tổ chức tôn giáo bao gồm Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, các Hội thành Tin lành Thành phố Nam Định và Hoành Nhị - huyện Giao Thủy thống nhất ký kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026.

 
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường, Ban trị sự Phật giáo tỉnh,
Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và các Hội thánh Tin lành ký kết chương trình phối hợp

Chương trình phối hợp có mục tiêu là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội - tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và Nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; Phát huy có hiệu quả các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội - tôn giáo và tín đồ các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng phù hợp hiệu quả.
Chương trình phối hợp có một số nội dung sau :
    Thứ nhất , tăng cường công tác tuyên truyền và lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong hoạt động của tổ chức, nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng tôn giáo làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý, phân loại và xử lý chất thải và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
    Thứ hai, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xoá bỏ những tập quán, hủ tục, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm tăng biến đổi khí hậu: như đốt vàng mã, vứt bát hương, bàn thờ không đúng nơi quy định, rải tiền vàng, thay cát táng thành hỏa táng, thay vòng hoa thành bó/bát hoa trong hoạt động mai táng; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh; các khu dân cư văn hóa, kiểu mẫu qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân ở cộng đồng. Xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
    Thứ ba, tham gia có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường xây dựng năng lực tự thích ứng và giúp nhau thích ứng giữa các cộng đồng tôn giáo, giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo khi có rủi ro thiên tai xảy ra để góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động này tại cộng đồng dân cư.
    Thứ tư, tăng cường các hoạt động bác ái, yêu thương, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khu gặp phải thiên tai, bão, lũ...
    Thứ năm, phối hợp vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
    Chương trình phối hợp cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2026 có 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều triển khai và tích cực hưởng ứng Chương trình phối hợp.
                                                             Bài và ảnh : Ban Biên tập Trang TTĐT

Các bài viết khác