Nam Định đến gần hơn với mục tiêu tỉnh nông thôn mới 06/06/2018

Là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Nam Định đã đạt nhiều kết quả tích cực với hơn 53% số xã đạt chuẩn NTM.

Tỉnh chuẩn bị đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn NTM cho 4 huyện, gồm: Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh. Đây là bước tiến quan trọng giúp Nam Định đến gần hơn với mục tiêu xây dựng tỉnh NTM trước năm 2020.

Khang trang đường làng, ngõ xóm

Thời gian gần đây, mỗi dịp về Nam Định, ấn tượng đầu tiên đối với khách phương xa là bộ mặt khang trang của hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng. Với những người dân nơi đây, việc được đầu tư cải tạo, xây dựng, mở rộng đường sá, kênh mương góp phần quan trọng cải thiện đời sống hằng ngày. Ông Đặng Ngọc Sơn, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường chia sẻ: "So với cách đây 5-7 năm, quãng đường từ quê tôi đến TP Nam Định như được rút ngắn một nửa. Bởi đường rộng hơn, đẹp hơn, thời gian đi lại nhanh hơn. Không chỉ có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà đường làng, ngõ xóm khang trang trông thấy. Đường dẫn vào từng nhà dân đều bê tông hóa, kênh mương được kè kiên cố, giúp công việc đồng áng thêm thuận lợi". Theo thống kê của UBND huyện Xuân Trường, đến cuối năm 2017, toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa đường trục xã hơn 116km, đạt tỷ lệ 94,81%; cứng hóa đường trục thôn hơn 127km, đạt tỷ lệ 96,92%. Ngoài ra, 100% đường ngõ, xóm được bê tông hóa, tổng chiều dài gần 400km.

Mô hình sản xuất cá giống mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định. Ảnh: MINH QUYẾT 


Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng NTM còn hướng đến cơ cấu lại kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân. Hai năm gần đây, chị Nguyễn Thị Hoài, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường trở thành công nhân, làm việc cho doanh nghiệp sản xuất rau an toàn ở địa phương. Tiếng là công nhân nhưng công việc hằng ngày của chị không có nhiều khác biệt so với trước đây, vẫn gắn bó với đồng ruộng. Chị cũng đã quen với việc tuân thủ đúng thời gian làm việc và các công đoạn theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật của công ty. "Được công ty nhận vào làm việc, chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định. Thời gian rảnh rỗi tôi còn tăng gia, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Kinh tế gia đình khấm khá cũng giúp chúng tôi có điều kiện chăm lo cho con cái tốt hơn", chị Nguyễn Thị Hoài bày tỏ.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Trong xây dựng NTM, các địa phương của tỉnh Nam Định đều chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị cao. Ông Đặng Ngọc Cường, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: "Huyện đã xây dựng được 81 mô hình cánh đồng lớn, đồng thời thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như Công ty Vineco (Tập đoàn Vingroup) thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau quả sạch và an toàn, quy mô 140ha; Công ty TNHH Cường Tân đầu tư sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao... Huyện Giao Thủy phát triển mạnh kinh tế hợp tác xã, ngoài trồng trọt, chăn nuôi còn có các lĩnh vực, như: Diêm nghiệp, sản xuất nấm, thủy sản. Trên địa bàn huyện hiện có 37 hợp tác xã với doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã gần 800 triệu đồng/năm.

Phát triển kinh tế gắn với thế mạnh của từng địa phương là giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Nhờ đó, thu nhập của người dân ở Nam Định tăng lên đáng kể. Với 4 huyện của tỉnh Nam Định được công nhận đạt tiêu chuẩn NTM đợt này, mức thu nhập bình quân đều trên dưới 40 triệu đồng/người/năm. Cụ thể, tại huyện Trực Ninh, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 12,2 triệu đồng/người năm 2010 lên 40,73 triệu đồng/người năm 2017; huyện Giao Thủy năm 2017 đạt 38,52 triệu đồng/người; huyện Nghĩa Hưng đạt 39,8 triệu đồng/người, huyện Xuân Trường đạt 39,14 triệu đồng/người. Các chính sách an sinh xã hội cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo được bảo đảm. Người nghèo còn được thụ hưởng các chính sách tạo việc làm qua vay vốn, xuất khẩu lao động...

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh NTM, Nam Định đặt ra lộ trình cụ thể. Theo đó, năm 2018 có thêm 20-22 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu có thêm một huyện đạt chuẩn NTM; 12 xã được công nhận lại đạt chuẩn NTM. Năm 2019 có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu có thêm một huyện và TP Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 53 xã được công nhận lại đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2019, tỉnh Nam Định đạt chuẩn NTM với 95-100% số xã, 10/10 huyện, thành phố hoàn thành các chỉ tiêu NTM.

Giải pháp của tỉnh để đạt được mục tiêu này, đó là tạo thuận lợi để người dân thực sự làm chủ thể trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở những xã chưa đạt chuẩn. Nam Định cũng tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

MẠNH HƯNG