Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định sau 8 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 27/02/2020

Nam Định là tỉnh ven biển phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, có diện tích tự nhiên 1650 km2, gồm 10 đơn vị hành chính (9 huyện và 1 thành phố), dân số xấp xỉ 2 triệu người.

Các tôn giáo, trong đó Phật giáo và Công giáo du nhập vào Việt Nam và tới Nam Định khá sớm; Đây là quê hương của vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông, là điểm đầu tiên các nhà truyền giáo đạo Công giáo chọn để dừng chân (Giáo sử ghi nhận năm 1533 giáo sỹ Dòng Tên I-Ne-Khu đến bến Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh và Trà Lũ thuộc huyện Xuân Trường ngày nay, đặt cơ sở để thực hiện công cuộc truyền giáo vào Việt Nam). Quá trình phát triển lâu dài của các tôn giáo ở Nam Định đã để lại những dấu ấn vô cùng đậm nét, có tính điển hình của cả nước về cơ sở vật chất, ý thức và niềm tin tôn giáo, số lượng chức sắc và tín đồ… đã đặt ra cho công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của tỉnh Nam Định, những vấn đề không kém phần phức tạp.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 3 tôn giáo được công nhận và hoạt động, đó là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Theo số liệu thống kê: Phật giáo có 838 chùa; 848 tăng, ni và khoảng trên 15 vạn tín đồ(nếu kể cả những người chịu ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo, có tới 65% dân số của tỉnh). Công giáo gồm trọn vẹn Giáo phận Bùi Chu và 1 phần Giáo phận Hà Nội; có 141 xứ - nhà thờ xứ (Giáo phận Bùi chu 119 xứ và Giáo phận Hà Nội 22 xứ), 521 nhà thờ họ, 513 nhà Nguyện; 02 giám mục, 191 linh mục, 134 chủng sinh đang học tại Đại chủng viện, trên 47 vạn giáo dân (chiếm 25% dân số toàn tỉnh); 6 dòng tu với 39 cơ sở dòng và 1000 nữ tu khấn trọn; có cơ sở II Đại chủng viện Hà Nội đóng tại Tòa Giám mục Bùi Chu (tháng 9/2010 sẽ khai giảng khóa đầu tiên với 33 chủng sinh). Đạo Tin lành có 2 Hội Thánh Tin lành thuộc Tổng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) do 2 mục sư và 1 mục sư nhiệm chức quản nhiệm, có 02 nhà thờ với 670 tín đồ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số điểm, nhóm Tin lành và một số hệ phái chưa được công nhận tư cách pháp nhân.

Những năm qua, cùng với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đối với tôn giáo, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo được tăng cường, dần đi vào nề nếp; các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, thuần túy tôn giáo và tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo. Các ban, ngành chức năng, các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp, thống nhất tham mưu cho thường trực cấp ủy, UBND chỉ đạo và giải quyết những vụ việc liên quan đến tôn giáo theo đúng chức năng của từng cấp, đạt hiệu quả cao. Sở Nội vụ ở cấp tỉnh, phòng Nội vụ ở cấp huyện đã tham mưu xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo kịp thời, đúng pháp luật; tạo điều kiện để chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tín đồ các tôn giáo thực hành, bầy tỏ niềm tin tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo” ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, cùng với chính quyền và nhân dân toàn tỉnh xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

 

 Đại hội Phật giáo tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2012-2017 

 

Lễ Bổ nhiệm Giám Mục Phó giáo phận Bùi Chu Vũ Đình Hiệu 

Để có được những kết quả trên, trước hết cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của tỉnh Nam Định luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đảm bảo quyền hoạt động, sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương của tỉnh Nam Định đã vận dụng tốt quan điểm, chính sách của Đảng đối với tôn giáo; lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện các quy định của nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo kịp thời, chính xác, hiệu quả và phù hợp với thực tế của địa phương.

Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu có hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tôn giáo và quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh; Thực sự là cầu nối, giữ mối liên hệ giữa Chính quyền với các tổ chức và cá nhân tôn giáo, tạo ra sự đồng thuận để giữ vững an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để có kết quả trên, tỉnh Nam Định đã tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định của địa phương đối với tôn giáo và các hoạt động tôn giáo ( cụ thể là: Nghị quyết số 25, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị Định 22 CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Chính phủ và Quyết định số 3350/2005/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định quy định một số điều trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh) cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp bao gồm các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện uỷ, thường trực HĐND, UBND và trưởng các ban, ngành, đoàn thể các huyện, thành phố trong tỉnh với số lượng 750 lượt người.

Để làm tốt công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, ngoài việc tăng cường củng cố tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; truyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cho chức sắc, nhà tu hành , chức việc, tín đồ các tôn giáo…Trong 8 năm (2005 - 2012) đã mở 65 lớp cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo với 8.750 người tham dự, 14 lớp cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc với 1.715 người tham dự; phối hợp tổ chức hơn 50 hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật tôn giáo cho trên 4 vạn lượt người là tín đồ các tôn giáo. Ngoài kinh phí đào tạo theo Quyết định 83 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo”giai đoạn 2006-2010; UBND tỉnh Nam Định đã bổ sung hàng trăm triệu đồng để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tôn giáo và công tác QLNN về tôn giáo cho 7 chức danh làm công tác tôn giáo cấp xã.

Tỉnh mở các lớp dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đối tượng là cán bộ chủ chốt của tỉnh,  cán bộ lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban làm công tác tôn giáo cấp huyện trong toàn tỉnh và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBMTTQ thuộc 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Sở Nội vụ phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh  tổ chức hơn 20 bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo cho các trưởng thôn, xóm, hội viên trong tỉnh. Phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh phổ biến chính sách, pháp luật tôn giáo tại các lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh biên giới biển cho hơn 500 chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong tỉnh.

Căn cứ nội dung quản lý đối với hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, Sở Nội vụ tỉnh Nam Định đã chủ động, quan tâm giải quyết những đề xuất, kiến nghị của tổ chức và cá nhân tôn giáo; tham mưu UBND tỉnh kịp thời chấp thuận, đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân như việc tổ chức các ngày lễ trọng hàng năm, việc tổ chức các lớp bồi linh, cấm phòng, An cư kiết hạ và các hoạt động như: Xây sửa tôn tạo nơi thờ tự, thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở, đào tạo, thuyên chuyển, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc tôn giáo... Đặc biệt năm 2007, Nam Định là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện và hoàn thành việc “Cấp đăng ký cho dòng tu, tu viện”.

Những vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản tôn giáo đã có thời gian sử dụng, là việc khó khăn và phức tạp, do lịch sử để lại; Đối với mỗi vụ việc, Ban Tôn giáo tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch thực hiện, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự điều hành kịp thời của chính quyền và sự phối hợp thống nhất trong triển khai thực hiện giữa các ban, ngành có liên quan và các tổ chức đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ. Chính vì vậy, đến nay Nhà thờ Khoái Đồng, Nhà thờ Phụ Long, Nhà 24 Hai Bà Trưng nằm trong nội thành thành phố Nam Định, Đất nhà dòng tu kín Bùi Chu, thuộc huyện Xuân Trường… đã giao lại cho Giáo hội sử dụng vào mục đích tôn giáo.

Những đề nghị của tổ chức và cá nhân tôn giáo chưa đúng theo quy định của luật hoặc vượt thẩm quyền đều được giải thích thấu tình, đạt lý. Dù chưa được giải quyết, hay giải quyết chưa thỏa đáng, xong các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo sau khi tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước, cảm thấy bằng lòng và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với tôn giáo.

Đối với các hoạt động mang tính toàn quốc, toàn đạo của các tôn giáo tổ chức trên địa bàn tỉnh Nam Định luôn được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành trong tỉnh như: Đại hội Tu sỹ toàn quốc, Hành hương Năm Thánh; Lễ Tấn phong Giám mục Chu Văn Minh - Giám đốc Đại chủng viện Hà Nội tại nhà thờ xứ Nam Định, của Giáo hội Công giáo; Đại hội đồng lần thứ 33 của Tổng hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc); Các cuộc Hội thảo, Dâng hương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các cuộc lễ diễn ra trọng thể, chu đáo, với nghi thức tôn giáo trong sự đảm bảo, giữ gìn trật tự an ninh và chung sức của chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương nơi tổ chức.

Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác QLNN đối với các hoạt động tôn giáo không thể tách rời quan điểm này của Đảng; trong đó, công tác vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được đặc biệt quan tâm, bởi vì nó quyết định tới hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Đây là công tác thường xuyên, luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban, ngành của tỉnh Nam Định coi trọng. Các ngày lễ trọng, những sự kiện lớn của các tôn giáo, ngày tết cổ truyền của dân tộc, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh, đến xã đều tổ chức các đoàn đến chức mừng, thăm hỏi, động viên chức sắc, nhà tu hành đứng đầu giáo hội, những cơ sở thờ tự tiêu biểu, qua đó tạo ra không khí gần gũi, hiểu biết nhau. Chức sắc, nhà tu hành khi ốm đau, khó khăn, qua đời đều được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, thăm viếng, chia ưu. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền của tỉnh hàng năm có tiếp xúc, gặp gỡ với các Giáo hội địa phương để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, của chức sắc, nhà tu hành, đẻ các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, phát động tín đồ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung sức phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng bào các tôn giáo trong tỉnh Nam Định đã hưởng ứng có hiệu quả các cuộc vận động do các cấp , các ngành phát động và thể hiện nội dung các cuộc vận động thành nội dung gần gũi với tín đồ các tôn giáo như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thành phong trào “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu” và “Xây dựng chùa tinh tiến. Xây dựng “Xứ, họ không ma túy” của Công giáo; xây dựng “Tâm sáng hướng thiện” của Phật giáo…

Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước với các hoạt động tôn giáo thời gian tới, tỉnh Nam Định xác định cần quan tâm các vấn đề sau:

1- Tiếp tục đầu tư, quan tâm công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

2- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, thường xuyên nắm chắc tình hình tôn giáo và giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; xây dựng các quy định cụ thể về thủ tục hành chính trong việc giải quyết đề nghị của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

3- Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình hoạt động các tôn giáo và công tác tôn giáo của chính quyền các cấp; chú trọng công tác giải quyết khiếu nại nói chung, về đất đai tôn giáo nói riêng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

4- Hướng dẫn tạo điều kiện, giúp đỡ các chức sắc tôn giáo trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo theo đúng quy định của pháp luật.

5- Kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp.

6- Phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

7- Duy trì chế độ giao ban nghe báo cáo tình hình tôn giáo, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công tác tôn giáo của các đơn vị.

 Nguyễn Văn Khuê

Các bài viết khác